1. Về khối lượng QLVH:
Truyền tải điện Gia Lai được Công ty Truyền tải điện 3 giao QLVH lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đi qua 63 xã, thị trấn của 08 huyện, 01 Thị xã, 01 Thành phố và một phần trên địa bàn Huyện Eahleo – Tỉnh ĐăkLak.
- Phần đường dây: Truyền tải điện Gia Lai được giao nhiệm vụ quản lý vận hành 799,76 km đường dây (DZ) (với tổng số 1903 cột, bao gồm 06 DZ 500kV mạch đơn và 02 DZ 500kV mạch kép có chiều dài 369,6 km; 05 DZ 220kV mạch đơn và 04 DZ 220kV mạch kép có chiều dài 430,16 km). Ngoài ra, Đơn vị được Công ty giao nhiệm vụ quản lý vận hành thuê 01 đoạn đường dây 500 kV đấu nối TBA 500kV Pleiku 3 có chiều dài 0,4 km (2 vị trí) và 54 km đường dây 220 kV (175 vị trí thuộc các NMĐ SK An Khê, NMĐG: Ia Pết Đăk Đoa số 1, Nhơn Hòa 1, Ia Le 1, Yang Trung - Chơ Long, Hưng Hải).
- Phần trạm biến áp: Gồm 03 TBA 500kV Pleiku, Pleiku 2, Pleiku 3 gồm: 06 MBA 500kV, 02 MBA 220kV (tổng dung lượng 3525 MVA); 10 kháng bù ngang 500kV (tổng dung lượng 1248,8 MVAr); 06 giàn tụ bù dọc 500kV-2000A (tổng dung lượng 2088 MVAr), cụ thể:
+ Trạm biến áp 500kV Pleiku: gồm 03 MBA 500kV, 02 MBA 220kV (tổng dung lượng 1725 MVA); 04 kháng bù ngang 500kV (tổng dung lượng 519,8 MVAr); 03 giàn tụ bù dọc 500kV-2000A (tổng dung lượng 1098 MVAr); 06 xuất tuyến đường dây 500kV, 06 xuất tuyến đường dây 220kV, 05 xuất tuyến đường dây 110kV (NXT 173 dự kiến đưa trở lại vận hành vào cuối tháng 10/2021).
+ Trạm biến áp 500kV Pleiku 2: gồm 02 MBA 500kV (tổng dung lượng 900MVA); 06 kháng bù ngang 500kV (tổng dung lượng 729 MVAr); 03 giàn tụ bù dọc 500kV-2000A (tổng dung lượng 990 MVAr, trong đó dàn TBD503 đang cô lập); 06 xuất tuyến đường dây 500kV, 07 xuất tuyến đường dây 220kV.
+ Trạm biến áp 500kV Pleiku 3: gồm 01 MBA 500kV có dung lượng 900MVA; 02 xuất tuyến đường dây 500kV và 01 xuất tuyến đường dây 220kV.
2. Về tổ chức:
* Về chuyên môn: Ban Giám đốc gồm Giám đốc và 01 Phó Giám đốc, 04 Phòng nghiệp vụ, 04 Đội Truyền tải điện, 02 TBA 500kV. Lực lượng lao động hiện có 172 CBCNV (166 nam và 06 nữ),trong đó:
- Bộ phận gián tiếp, văn phòng: 16 nguời.
+ Ban Giám đốc: 02 người.
+ Phòng Tổng hợp: 04 người.
+ Phòng Kế hoạch Vật tư: 04 người.
+ Phòng Kỹ thuật: 03 người.
+ Phòng Tài chính Kế toán: 03 người.
- Bộ phận trực tiếp và phụ trợ: 156 người.
3. Một số đặc điểm lớn ảnh hưởng đến công tác QLVH:
3.1 Trạm biến áp 500kV Pleiku:
Được đưa vào vận hành từ năm 1994, đây là trạm điều khiển kiểu truyền thống với đa số thiết bị nhất thứ/nhị thứ đã cũ, vận hành từ 17 năm (các NXT 500kV mạch 2, NXT 500kV đi NMTĐ Ialy) đến 26 năm (các NXT 110, 220, 500kV mạch 1) nên thiết bị có xu hướng suy giảm chất lượng, tìm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố.
Cũng qua thời gian, trạm liên tục mở rộng, cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị. Đến nay cáp nhị trong phòng điều khiển và bảo vệ đầy và quá tải máng cáp. Thiết bị nhất thứ, nhị thứ đa chủng loại và được chế tạo từ nhiều hãng/nước sản xuất khác nhau như JEUMONT SCHNEIDER/Pháp, ZTR/ Ukraine, TBE/Trung quốc, SIEMENS/Đức, SELL/Mỹ, AREVA/Pháp... gây khó khăn trong quản lý vận hành.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tổng Công ty và Công ty, một số thiết bị cũ vận hành trên 25 năm có xu hướng suy giảm chất lượng đã dần được thay thế trong sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên. Tuy nhiên, đến nay vẫn một số thiết bị vận hành trên trên 25 năm như 01 kháng điện 500kV KH502; 9 bộ (26 pha) biến dòng điện 110kV-500kV; 22 bộ DCL 35kV-500kV… và hệ thống tủ bảng, tự dùng, cáp nhị thứ, rơ le trung gian từ năm 1994.
3.2 Trạm biến áp 500kV Pleiku 2:
Được đóng điện đưa vào vận hành tháng 3 năm 2016, là trạm điều khiển kiểu tích hợp bằng máy tính, thiết bị mới, đồng bộ (ngoại trừ 01 kháng điện 500kV KH593 vận hành từ năm 1994 được điều chuyển từ TBA 500kV Pleiku sang). Trạm được xây dựng trên nền đất mượn, vùng trũng thấp của khe tụ thủy, nên trong các năm 2017, 2018 có hiện tượng sụt lún nghiêng móng thiết bị vào mùa mưa, tuy nhiên từ năm 2019 đến nay nền đất đã được kết cố nên không xảy ra hiện tượng sụt lún và đơn vị vẫn luôn theo dõi, giám sát trong vận hành.
3.3 Phần dường dây:
- Một số tuyến đường dây 220kV Pleiku - An Khê, Pleiku - Pleiku 2, Pleiku 2 – Krôngbuk xây dựng năm 1995 có chiều cao cột và khoảng cách pha đất thấp, dẫn đến nguy cơ cao về sự cố do vi phạm khoảng cách an toàn pha-đất, cụ thể:
- Các tuyến đường dây đi qua các vườn trồng cây công nghiệp như: Cao su, bời lời, điều, thông, tràm,… mặc dù cây trồng nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn lưới điện, nhưng vào mùa mưa cây phát triển nhanh, vươn cao có nguy cơ ngã đổ vào đường dây là khá lớn.
- Đặc điểm địa chất khu vực Tây Nguyên đất đỏ Bazan, mùa khô kéo dài hơn sáu tháng, mật độ bụi cao kết hợp lốc xoáy đã làm cho tốc độ cách điện nhiểm bẩn nhanh, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, sương mù, sương muối xuất hiện dẫn đến nguy cơ phóng điện qua cách điện.
- Người dân thường xuyên canh tác trồng cây dưới hành lang, một số loại cây trồng lâu năm bị chặt bỏ để chuyển đổi giống cây trồng, dẫn đến tình trạng tự ý đốt dưới hành lang, cộng với phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số, thường hay đốt nương làm rẫy, dẫn đến có nguy cơ cháy dưới hành lang gây sự cố.